Về Đồng Tháp tìm một chữ “nhàn”

Về Đồng Tháp tìm một chữ “nhàn”

Về Đồng Tháp tìm một chữ “nhàn”

“Nhắn ai đi về miền đất Phương nam, Trời xanh mây trắng, xuôi dòng Cửu Long giang, mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh…”

Từ khi còn bé, những hình ảnh sông nước miền tây đã in sâu vào cảm xúc của tôi. Trong lòng, tôi vẫn luôn mong một ngày nào đó được về đây sống. Sống như những con người gắn liền với vùng đất phù sa ngọt ngào, cây xanh gió mát bốn mùa ở đây.

Chuyến đi này,  dù có dự tính trước song vẫn là một quyết định đột ngột, bất ngờ vì quá nhanh nên tôi không kịp có sự chuẩn bị. Có lẽ thế mà cảm giác đầu tiên khi tôi nghĩ về chuyến đi là sự nuối tiếc, nuối tiếc đã không ghi lại tất cả cảm nhận ngay sau mỗi hành trình ở từng thời khắc, để bây giờ khi hồi tưởng lại thì mới biết đã bỏ qua đi rất nhiều.

 

Man mán cảm xúc; Cảm giác đứng đợi người thân ra đón ở ngã ba Tam Nông, cảm giác ngồi ngắm trăng trên Khuất Giang, lang thang trong đêm sao trên những bờ đê dài ngút, nhấm nháp me một đốt, thưởng thức canh rau nhút đúng cách của người miệt quê, hay  xuýt xoa món ngó súng ma chấm mắm cá rô cực lạ và ngon.
Tôi đã tìm được ở Tràm Chim, Tam Nông một chữ “Nhàn”. Ở đây cái gì cũng chậm, thật chậm, chậm đến nỗi làm tôi choáng ngợp với cảm xúc liên miên bất tận của “chậm” chuyển vể.

 

Nếu bạn về miền tây như tìm về một nơi với những danh lam thắng cảnh say lòng người thì có lẽ không có, bởi vẻ đẹp miền sông nước này không quy về một chỗ, không thể cảm nhận trong một chốc, mà nó hóa thân để hiện hữu khắp nơi, nó loáng thoáng đâu đó trên bờ đê, trên cánh đồng xanh ngát, trong những con kênh nhỏ, những mái nhà tranh hay chiếc xuồng ba lá, có lúc nó là nụ cười thân thiện, chân tình đượm nét tình quê, là bữa cơm thân mật đón chào người khách lạ, và còn là chén rượu nồng cùng những câu hò vọng cổ.

 

Tạm gác mệt mỏi lo toan của cuộc sống để đi chuyến này mong tìm một chữ “nhàn” nhưng điều thú vị nhất là tôi được tặng thêm chữ “duyên”; Có “duyên” học được nhiều điều thú vị và bổ ích, có “duyên” được nhận nhiều tình chân thành, và “duyên” có thêm một người bạn, người em để chuyện trò và chia sẻ.

Bài & Ảnh: Hải An

2 thoughts on “Về Đồng Tháp tìm một chữ “nhàn”